Thái Tông Trần Cảnh là vị vua khai mở Trần triều, được ca ngợi là ông vua xuất sắc đã lãnh đạo quân dân Đại Việt giành chiến thắng trước Đế chế Mông Cổ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Vua đã sinh thành và dưỡng dục nên thế hệ lãnh đạo kiệt xuất của dòng máu Đông A anh hùng, đó chính là vua Trần Thánh Tông, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và các danh tướng tiếp tục thêm hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông khiến cho nhà Nguyên hoàn toàn từ bỏ ý đồ xâm lược Đại Việt. Các con trai vua là quân vương, là trang anh hùng, tài năng, oai phong lẫm liệt, vậy còn những người con gái của vua thì thế nào? Bài viết này gửi tới bạn một vài thông tin mình lượm lặt được trong chính sử và từ thần tích về những nàng công chúa của vua Trần Thái Tông.

1. Thái Đường Trưởng công chúa, nàng công chúa sớm mồ côi mẹ
Trưởng công chúa Thái Đường là vị công chúa không được nhắc đến trong chính sử mà thông tin về nàng được nhắc trong Ngọc phả và ghi ở thần tích của Đền Miễn Hoàn (xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Theo thần tích Công chúa Thái Đường là đích nữ, con thứ ba của vua Trần Thái Tông và Thuận Thiên hoàng hậu (em của vua Trần Thánh Tông và Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải). Bởi vậy mà bà được xem là Trưởng công chúa của vua.
Theo tư liệu này, sau khi sinh công chúa ít lâu thì Thuận Thiên hoàng hậu qua đời năm 1248 khi mới chỉ 33 tuổi thành thử Thái Đường công chúa đã sớm mồ côi mẹ khi còn thơ bé. Từ năm 1253 vó ngựa Mông Cổ đã lật đổ nước Đại Lý (Vân Nam) áp sát nước ta, tới tháng 12 âm lịch năm 1257 tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo 3 vạn quân xâm lược Đại Việt. Thực hiện kế “vườn không nhà trống”, nàng công chúa chưa tròn 10 tuổi đã phải theo chân bà ngoại Linh Từ Quốc mẫu di tản khỏi Thăng Long về Hoàng Giang (Ninh Bình) lánh nạn. Lớn lên trong thời buổi chiến tranh đó hẳn là công chúa phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả.
Khi trưởng thành, vua Trần Thái Tông gả Công chúa cho Hầu tước Vũ Tỉnh ở Lục Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Công chúa sinh được một người con trai là Vũ Thành. Hầu tước Vũ Tỉnh qua đời, Công chúa một mình nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, thay cha cai quản miền Lục Ngạn. Được sự dạy bảo của mẹ, kế nghiệp cha, Vũ Thành một mặt chiêu tập dân nghèo mở rộng thái ấp và đại điền trang vùng Lục Ngạn, mặt khác tổ chức đội dân binh, tích trữ lương thảo, luyện tập võ nghệ, bảo vệ an ninh vùng biên giới phía Đông Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3 (1288), đội dân binh của Vũ Thành giỏi đánh du kích nên đã lập công lớn ở trận Nội Bàng, chặn đường Thoát Hoan chốn chạy. Với công lao này, vua Trần Nhân Tông đã phong Vũ Thành là Trung dũng hầu Đại tướng quân. Tiếc thay Trung Dũng hầu đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ngăn chặn giặc Nguyên - Mông xâm lược tại Lục Ngạn năm 1288. Khi chồng và con không còn nữa, Công chúa Thái Đường về trông coi thái ấp cho anh là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.
Thiên hạ thái bình, Công chúa Thái Đường đã chiêu tập dân phiêu tán cùng với gia nhân đến vùng ven sông Đào, thôn Bắc Hà, xã Đô Liệu (nay là thôn Thi Liệu, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản) khẩn hoang lập điền trang với hy vọng vừa lập chốn an cư mới, vừa vơi bớt nỗi đau mất chồng con. Nội dung văn bia soạn khắc năm Mậu Dần, triều vua Bảo Đại 13 (1938) tại đền Miễn Hoàn có đoạn: “…Công chúa thấy vùng thôn Bắc Hà, xã Thi Liệu, đất đai phì nhiêu mà dân cư thưa thớt, nên cho gia nhân đến đó lập trại, một mặt khai khẩn ruộng đất, mặt khác chiêu tập dân cư. Chỉ trong mấy năm đã làm nên ruộng tốt trên trăm mẫu đất, dân số tăng thêm trên năm chục người…”. Công chúa còn hào phóng cho phép gia nô được khai hoang thêm ruộng để làm của riêng. “…Khi Công chúa mắc lỗi, nhà vua ra lệnh thu ruộng đất đó làm quan điền. Về sau lại có chiếu chỉ ra lệnh miễn tội hoàn đất. Công chúa bèn cho dân làm ruộng chung”. Vì vậy, đất ấy có tên là Miễn Hoàn. Công chúa lấy 36 mẫu trong số đất ấy cúng vào chùa Hộ Xá, số còn lại chia cho dân sở tại làm ruộng công để cày cấy, lấy hoa lợi sắm lễ vật phụng sự tại chùa. Cảm kích trước tấm lòng thương dân của Công chúa, nhân dân gọi số đất đó là “ruộng bà Quốc Mẫu”. Sau khi Thái Đường công chúa mất, người dân lập đền thờ bà trên điền trang Miễn Hoàn xưa, nay là xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Có thể thấy rằng, số mệnh người con gái đầu tiên của vua Trần Thái Tông gặp phải nhiều long đong lận đận. Là Trưởng công chúa cành vàng lá ngọc nhưng nàng đã sớm chịu cảnh mồ côi. Mang thân phận cao quý nhưng sống trong thời chiến tranh, nàng gặp phải nỗi đau mất chồng mất con, mất đi chỗ dựa lớn nhất của nữ nhân thời phong kiến. Nhưng nàng vẫn kiên cường sống tiếp, sống thay cả phần cho phu quân và con trai khi đất nước hoà bình. Nàng thực hiện chiếu chỉ triều đình chiêu tập nhân dân khai khẩn đất hoang lập thành thái ấp tạo chốn an cư lạc nghiệp cho dân nghèo. Khi điền trang bị thu hồi, công chúa không oán thán, lúc triều đình trả lại công chúa đem tặng người dân mà chẳng giữ lại làm tài sản riêng mình. Có thể nói tuy là phận nhi nữ lại lận đận long đong nhưng Thái Đường trưởng công chúa cũng mang trong mình tinh thần chiến binh mạnh mẽ, phong thái hào sảng, khoáng đạt và lòng yêu nước thương dân chẳng kém những người anh em trai của mình.
2. Thiều Dương công chúa: người con gái đoản mệnh
Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết vào năm 1277: “Ngày thượng hoàng băng , công chúa Thiều Dương (con gái thứ của thượng hoàng tên là Thúy) đương ở cữ, chợt nghe tiếng chuông đánh liên hồi, nói rằng: “Có lẽ thượng hoàng mất chăng!”. Những người hầu cận nói dối, nhưng không nghe, công chúa cứ thương khóc kêu gào, mắt mờ đi rồi chết. Trước đây thượng hoàng không khỏe, công chúa bấy giờ đã lấy Thượng vị hầu Văn Hưng rồi, thường thường sai người đến thăm hỏi, những người hầu cận đều trả lời là thượng hoàng đã bình phục vô sự. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi chết. Người trong nước ai cũng thương”.
Chính sử chỉ có một vài thông tin ít ỏi về Thiều Dương công chúa và không ghi rõ thân mẫu của công chúa là ai. Xét theo tuổi tác của công chúa mất khi đang ở cữ thì mẹ của nàng là thứ phi của vua Trần Thái Tông, bởi lẽ Thuận Thiên hoàng hậu đã qua đời từ năm 1248. Từ câu chuyện công chúa thương khóc phụ hoàng đau lòng quá độ mà qua đời, ai ai cũng xót xa và cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của nàng. Một người phụ nữ vừa mới sinh con đang ở cữ thân thể còn chưa hồi phục lại gặp phải nỗi đau mất cha, nỗi day dứt thân là con mà chẳng thể có mặt bên phụ hoàng vào giây phút cuối cùng. Có lẽ nỗi đau tinh thần quá đột ngột và quá lớn đã làm cơ thể nàng gục ngã. Công chúa ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại đứa con thơ lâm cảnh mồ côi, để lại nỗi tiếc thương cho những người ở lại và một sử tích ngàn đời về người con gái “đại hiếu” của vua Trần Thái Tông.
Ngày nay, công chúa Thiều Dương được thờ tại ngôi miếu ở thôn Nứa, xã Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình (cũ) tương truyền là vùng đất thái ấp của công chúa khi xưa. Ngôi miếu nhỏ bé có tuổi đời 700 năm nằm nép dưới cây đa cổ thụ, trên gò đất là nơi gặp nhau của hai con lạch, một bắt nguồn từ Nhật Tảo và một bắt nguồn từ Lưu Xá. Trong miếu Nứa hiện còn có đôi câu đối:
"Kính thiên
hiếu khốc danh tại sử
An Nữ ân thâm thuỵ
vĩnh tường"
có nghĩa là:
"Tiếng khóc
thương vua tên ghi trong sử
Ơn sâu thương dân
An Nữ còn thơm mãi đến muôn đời"
3. Thuỵ Bảo công chúa, hai lần goá bụa
Năm 1277 là một năm đầy mất mát nhất với hoàng thất nhà Trần. “Bấy giờ Uy Văn Vương Toại lấy con gái của Thượng hoàng là công chúa Thuỵ Bảo. Uy Văn ham học hay thơ, tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời. Vua (tức Trần Thanh Tông) từng hỏi chữ “quan gia” nghĩa là gì, Uy Văn trả lời: “Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) cho nên gọi là “quan gia”. Vua khen là người kiến thức rộng. Không may chết non (chết năm 24 tuổi), người nước ai cũng tiếc” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Vậy là chỉ trong một năm, Thuỵ Bảo công chúa lần lượt mất đi cả phụ hoàng, hoàng tỷ cùng mẹ và phu quân của mình. Nỗi bi ai này thật khiến người đời thương xót. Công chúa Thuỵ Bảo goá bụa khi còn quá trẻ lại chưa con cái.
Một thời gian sau, dưới vua Trần Nhân Tông có dũng tướng Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng cũng không may goá vợ lâm cảnh “gà trống nuôi con”. Bảo Nghĩa hầu phu nhân mất sớm, để lại người con gái nhỏ Chiêu Hiến Quận chúa. Vua bèn tác hợp đem công chúa Thuỵ Bảo gả cho Trần Bình Trọng.
Tiếc thay, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, năm 1285, Trần Bình Trọng giao cho trọng trách giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn truy binh và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, quân Đại Việt thất bại, Trần Bình Trọng bị bắt nhưng ông và quân lính của mình đã hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn truy binh để bộ chỉ huy rút lui an toàn. Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, từ tra tấn, dọa nạt, đến dụ dỗ, chiêu hàng. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục và không hé nửa lời về hướng đi của quân chủ lực. Không thể chiêu hàng Trần Bình Trọng, quân Nguyên buộc phải giết ông vào năm 1285, lúc đó ông mới chỉ 26 tuổi, để lại câu nói bất hủ “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Tới tháng 6 năm 1285 quân Đại Việt toàn thắng, hai vua Trần trở lại kinh sư, Trần Bình Trọng có công hộ giá, hy sinh vì nước được nhà vua truy phong tước Bảo Nghĩa Vương.
Một lần nữa, Thuỵ Bảo công chúa lâm vào cảnh goá bụa, một mình nuôi con chồng. Công chúa nén đau thương, dốc lòng nuôi dạy Chiêu Hiến Quận chúa nên người. Trải qua 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đất nước được thái bình. Về sau khi vua Trần Anh Tông lên ngôi đã tuyên Chiêu Hiến Quận chúa vào cung lập làm Huy Tư Hoàng phi. Huy Tư Hoàng phi là mẹ sinh vua Minh Tông Trần Mạnh và khi Trần Mạnh kế vị, được tôn làm Huy Tư Hoàng thái phi rồi được truy phong làm Chiêu Từ Hoàng thái hậu.
Sau khi Huy Tư Hoang phi sinh ra Hoàng thái tử Trần Mạnh, Công chúa Thụy Bảo cảm thấy mình đã hoàn thành nghĩa cử đối với phu quân quá cố Trần Bình Trọng, nên quyết định xuất gia nương nhờ cửa Phật, tu hành giải thoát những phiền muộn của cuộc đời hai lần góa bụa. Công chúa về thôn Tiền ở phía Tây núi Hổ huyện Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định cũ) khai khẩn đất hoang tạo thành khu vườn hoa tươi tốt, coi đây là nơi nghỉ ngơi yên vui cuối đời, nên đặt tên là Vườn hoa An Lạc (An Lạc hoa viên). Mười năm sau, Huyền Trân Công chúa ở Chiêm Thành về, cũng chọn núi Hổ làm nơi tu hành, lập chùa Nộn, lấy hiệu là Hương Tràng ni sư. Hai Công chúa giúp dân khai phá vùng bãi biển Côi Sơn thành điền trang, vừa đem lại cảnh trù phù của làng quê. Khi Công chúa Thụy Bảo viên tịch, nhân dân xây bảo tháp ngay trong vườn An Lạc và chuyển chùa, lập đền thờ Công chúa ngay giữa làng. Thần vị tại đền Công chúa Thụy Bảo ghi: "Trần Triều tông thất phu nhân liệt tiết vương mẫu ni sư truy phong yểu điệu trinh thục Thụy Bảo Công chúa vị tiền". Đền còn phả ký viết trên bảng son có niên đại Khải Định thứ 4 (1920), có đoạn ghi công tích của bà:"Bà có công nuôi ẵm và phò Nhân Tông lên ngôi… Bà vui vẻ trở về đi tu, đắc đạo thành tiên vậy. Chúa là con vua Trần Thái Tông, là cô của vua Trần Nhân Tông, ngoại tổ mẫu của vua Trần Minh Tông."
4. An Tư công chúa, công chúa hoà thân hy sinh vì Đại Việt
Tháng 1 năm 1285, 50 vạn quân Nguyên Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, thống lĩnh, chia làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt. Quân Nguyên Mông là đạo quân cực kỳ thiện chiến đã từng càn quét khắp lục địa Á-Âu và nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân dân Đại Việt (chỉ có khoảng 30 vạn binh). Trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên, Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (Nam Định). Đại Việt sử ký toàn thư ghi:"Tháng 2 (Ất Dậu)... Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy." Và đó là dòng duy nhất trong chính sử nhắc tới An Tư công chúa. Tới tháng 5 năm 1285 quân Đại Việt bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy về Bắc. Tháng 6, ca khúc khải hoàn, hai vua trở lại kinh sư làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nhắc đến An Tư công chúa, không rõ công chúa còn hay mất. “Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước.” Nhưng ngày luận công nàng lại không được nhắc đến. Điều này đã khiến hậu thế cảm thương cho số mệnh hồng nhan bạc phận của An Tư công chúa.
Bên cạnh đó, có không ít giả thuyết cho rằng An Tư là người ngoài hoàng tộc họ Trần, được phong làm công chúa để phục vụ mục đích chính trị gả cho người Nguyên. Giả thuyết này xuất phát ở việc khi đề nghị hòa thân, các triều đại phong kiến thường lấy người trong họ, thậm chí là dân nữ có nhan sắc hay biệt tài để phong công chúa rồi gả cho nhân vật cần liên hôn, chứ ít khi là Hoàng nữ thật sự (như Vương Chiêu Quân thời Hán, Văn Thành công chúa và Nghi Phương công chúa thời Đường). Người viết cho rằng, giải thuyết này có phần hợp lý. Và nếu đúng như vậy thì việc không nhắc tới kết cục của An Tư công chúa rất có thể lại là cánh cửa để ngỏ cho người con gái ấy rút khỏi vai trò “công chúa hoà thân”, trở lại thân phận trước đây của mình.
Trong chương trình phim tài liệu Thăng Long Nhân Kiệt được phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trên đài VTV, An Tư công chúa được liệt vào thứ 18 trong 100 vị vĩ nhân mà chương trình gọi là "Nàng công chúa nhỏ bé lá ngọc cành vàng, trở thành vật hy sinh cho nền độc lập dân tộc". Cho dù số mệnh của An Tư công chúa ra sao, xuất thân của nàng thế nào thì nàng vẫn là bậc nữ trung hào kiệt, xứng đáng được tôn vinh ngàn đời, lưu danh muôn thưở trong lòng hậu thế.
5. Ứng Thuỵ công chúa Lê Ngọc Khuê, nàng công chúa không mang họ Trần
Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: “công chúa Chiêu Thánh ở với Lê Phụ Trần hơn 20 năm sinh được hai người con là Thượng vị hầu Lê Tông và Ứng Thuỵ công chúa Lê Ngọc Khuê.” Theo đó, Ứng Thuỵ công chúa là con gái của công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng), người vợ cũ mà vua Trần Thái Tông đem gả cho Bảo Văn hầu Lê Phụ Trần (Lê Tần) năm 1258. Mẹ là công chúa, cha chỉ mang tước hầu, ấy vậy mà Lê Ngọc Khuê lại được sắc phong Ứng Thuỵ công chúa còn anh trai nàng được phong là Thượng vị hầu, tương đương với tước dành cho các con của Vua và Vương trong hoàng tộc họ Trần. Người viết mạo muội suy đoán rằng, rất có thể lúc đó chính Thượng hoàng Trần Thái Tông đã nhận hai con của Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng làm nghĩa tử, nghĩa nữ nên mới có tước phong như thế. Thành thử, Ứng Thuỵ công chúa Lê Ngọc Khuê trở thành một trong số hiếm hoi những nàng công chúa không mang họ Trần trong triều đại Đông A, người còn lại chính là mẹ của nàng - Chiêu Thánh công chúa Lý Thiên Hinh (bị giáng từ Hoàng hậu xuống thành Công chúa năm 1237). Sử sách không chép rõ nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đồng thuận Thượng vị hầu Lê Tông- anh trai nàng, sau này được ban quốc tính, chính là danh tướng Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng và cũng là ông ngoại của vua Trần Minh Tông.
Theo tài liệu "Lý Chiêu Hoàng - Một đời sóng gió" của Lê Thái Dũng, về sau Ứng Thuỵ công chúa Lê Ngọc Khuê được vua gả cho Trạng nguyên Trần Cố, người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (tỉnh Hải Dương cũ, nay là Hải Phòng). Trần Cố đỗ Kinh trạng nguyên khoa Bính Dần, năm Thiệu Long thứ 9 (1266), đời vua Trần Thánh Tông cùng khoa với Trại trạng nguyên Bạch Liêu. Ông được vua trọng dụng, làm quan đến chức Hiến sát sứ, đứng đầu Hiến ty- cơ quan điều tra xét xử. Như bao người Đại Việt thời đó, công chúa cũng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) và thứ 3 (1287-1288) đầy khó khăn gian khổ và toàn thắng oai hùng. Người viết không tìm được thêm tư liệu về nàng, mong rằng Ứng Thuỵ công chúa Lê Ngọc Khuê có hậu vận viên mãn khi trở thành phu nhân của quan đại thần.
Đọc thêm: