Một nhân vật có xuất thân hiển hách nhưng đã sớm gặp phải biến cố từ khi còn hoài thai trong bụng mẹ, một vương gia dưới 4 triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, một thần tử sát cánh với quốc gia giành chiến thắng trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1257, 1285, 1287), cuộc đời Trần Quốc Khang cũng trải đủ phong ba. Bằng một chữ “tĩnh”, bằng thái độ khiêm cung, tấm lòng chân thành, hiểu thấu thế sự, dốc sức chăm lo bổn phận trấn thủ biên cương, Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang đã gầy dựng cho mình một đời bình an, cho con cháu mình giữ được tập ấm, gia đạo an vui nhiều đời.

(Nguồn ảnh: Pinterest)
1. SÓNG GIÓ CHÀO ĐỜI
Năm 1237, mượn cớ Chiêu Thánh hoàng hậu ở với vua Trần Thái Tông đã lâu không có con,Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung lập mưu ép vua phế bỏ Chiêu Thánh hoàng hậu để lập Thuận Thiên công chúa làm hoàng hậu, Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu, chị dâu của Trần Thái Tông đồng thời là chị gái của Chiêu Thánh. Lúc bấy giờ Thuận Thiên đang mang thai đứa con thứ 2 với Trần Liễu được 3 tháng, Trần Thủ Độ bàn với vua việc phế lập để lấy đứa trẻ đó làm con nối dõi mà nhờ cậy về sau. Nhân lúc triều đình cử Trần Liễu đi xa, Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc mẫu đưa Thuận Thiên công chúa vào cung. Bất lực trước tình cảnh éo le này, vua Trần Thái Tông bí mật bỏ trốn trong đêm lên Yên Tử định đi tu. Trần Liễu trở về biết tin, ôm hận nỗi nhục bị cướp vợ cướp con, nhân lúc ngai vàng bỏ trống, Trần Thủ Độ rời kinh tìm vua, Trần Liễu liền họp quân nổi loạn ở sông Cái. Thế nhưng với bản lĩnh gian hùng, Trần Thủ Độ nhanh chóng rước được vua Thái Tông hồi kinh đồng thời thẳng tay tiêu diệt đội quân làm phản. Nổi loạn được 2 tuần, Trần Liễu biết mình thất thế, phải đóng giả làm người đánh cá trốn lên thuyền vua Thái Tông xin tha tội. Kết cục của sự biến năm Đinh Dậu, vua Trần Thái Tông buộc phải phế lập, Thuận Thiên trở thành hoàng hậu, Trần Liễu phải an phận làm An Sinh vương không quyền lực không quân đội, còn hoàng hậu bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa. Trần Quốc Khang chính là đứa trẻ trong bụng Thuận Thiên ngày ấy.
Sáu tháng sau, khoảng tháng 10 năm 1237, Trần Quốc Khang chào đời trên danh nghĩa là con trưởng vua Trần Thái Tông nhưng thực chất lại là con trai riêng của Thuận Thiên hoàng hậu với An Sinh vương Trần Liễu, tức vai cháu gọi vua là chú ruột. Có lẽ việc đặt tên Trần Quốc Khang cho đứa trẻ dường như cũng là dụng ý của vua Trần Thái Tông về thân thế (các con trai của Trần Liễu có Trần Tung/Trần Quốc Tung, Trần Quốc Tuấn, đích tử Trần Doãn). Khi mới chỉ là bào thai trong bụng mẹ đã bị Thái sư đem ra làm cái cớ của biến cố hoàng tộc náo loạn hậu cung, chào đời trong tình cảnh éo le cha, mẹ, chú, dì không ai vui vẻ, quả thực Trần Quốc Khang đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Dù muốn hay không thì từ khi thơ bé, Quốc Khang cũng khó tránh khỏi những lời dị nghị, bàn tán xôn xao của miệng lưỡi người đời về thân thế khác thường, khó nói ra đó.
2. HOÀNG TRƯỞNG TỬ NHƯNG KHÔNG PHẢI ĐÍCH TỬ
Vốn là đứa con mà nhà vua muối mặt “mạo nhận” để lấy người nối dõi tông đường, những tưởng Trần Quốc Khang sẽ mãi là hoàng tử có thân phận cao quý nhất hoàng cung từ đó. Vì nỗi day dứt với gia đình người anh trai và sự áy náy với đứa cháu, theo sử sách chép lại, vua Trần Thái Tông nhất mực yêu thương và coi Quốc Khang như con đẻ. Thế nhưng không ai biết trước được chữ ngờ. Cũng chẳng ai rõ đã có những chuyện gì xảy ra, tới 3 năm sau đó, vào tháng 9 năm 1240, Thuận Thiên hoàng hậu hạ sinh cho vua Trần Thái Tông đích tử Trần Hoảng, lập tức được sắc phong làm Đông cung hoàng thái tử (vua Trần Thánh Tông sau này). Một năm sau đó, cuối năm 1241, hoàng hậu sinh tiếp hoàng tử thứ 3, Trần Quang Khải (tức Chiêu Minh Đại vương). Trần Quốc Khang không còn là hoàng tử nối dõi nữa. Từng là đứa trẻ Trần Thủ Độ “cướp về” cho vua để trông cậy mai này, giờ đây cái cớ đó không còn cần đến nữa. Xét trên hoàn cảnh bấy giờ nếu coi như trong hoàng cung đang có “người thừa”, thì người thứ nhất là phế hậu Chiêu Thánh công chúa, dì ruột của Quốc Khang và người thứ hai chính là Trần Quốc Khang, đứa trẻ người ta đã không còn cần đến vai trò của nó nữa. Lớn lên, Trần Quốc Khang hẳn đã biết được mình không phải con ruột của vua Trần Thái Tông và càng có ý thức rõ hơn về thân thế khác biệt của mình so với các hoàng đệ.
Năm 1248, Thuận Thiên hoàng hậu qua đời ở tuổi 33. Hoàng trưởng tử mới 11 tuổi đã phải chịu nỗi đau mất mẹ. Là anh cả, Quốc Khang trở thành bờ vai an ủi cho những đứa em thơ trong khi chính bản thân mình bơ vơ, mất đi chỗ dựa lớn nhất. Biến cố này có lẽ đã để lại dấu ấn lớn với Quốc Khang và phần nào khiến ông trở thành người quý trọng tình thân hơn quyền lực.
3. TĨNH QUỐC VƯƠNG TÀI ĐỨC TẦM THƯỜNG?
Trong chính sử không chép rõ về thời điểm Trần Quốc Khang được phong vương, song người viết đồ rằng vào khi vua Trần Thái Tông sắc phong con đích Trần Hoảng làm Đông cung hoàng thái tử thì cũng đồng thời phong tước cho Trần Quốc Khang là Tĩnh Quốc vương. Chữ “Tĩnh Quốc” này có lẽ vừa là sự gửi gắm ước mong từ đây nước nhà an bình chẳng còn can qua, mà cũng rất có thể là lời nhắc nhở với Quốc Khang tựa như tước An Sinh vương ban cho cha ông, Trần Liễu.
Người viết trộm nghĩ, nếu ngày trước quả thực Trần Liễu có ý định “rửa mối hận, lấy lại thiên hạ” thì trong số những đứa con của ông, Trần Quốc Khang là người có khả năng làm được việc đó nhất. Về chính danh Trần Quốc Khang là hoàng tử con vua Trần Thái Tông, do hoàng hậu Thuận Thiên sinh ra, được nuôi dạy trong hoàng cung, hoàn toàn có thể thừa kế ngai vàng. Về huyết thống, Quốc Khang là giọt máu của Trần Liễu, cùng cha với tất cả những đứa con của An Sinh vương, lại là anh cùng mẹ, cùng lớn lên với các con của Trần Thái Tông bấy giờ (nhiều số tư liệu cho rằng hầu hết những người con vua do các thứ phi sinh đều chào đời sau khi Thuận Thiên hoàng hậu mất). Bởi thế nếu Quốc Khang có mưu đồ khác thì người viết cho rằng ông ấy có nhiều điều kiện thuận lợi. Chắc chắn rằng những yếu tố đó không thể lọt qua con mắt già đời của Thái sư Trần Thủ Độ nhất là khi cha Quốc Khang đã từng làm loạn, cũng như để lại mối bận tâm trong lòng vua cha Trần Thái Tông và vua em Trần Thánh Tông sau này. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép “Tân Dậu, năm thứ 4, 1261, vua Trần Thánh Tông cho Chiêu Minh Đại vương Quang Khải làm Thái uý. Bấy giờ anh vua là Quốc Khang tuổi lớn hơn, nhưng tài đức tầm thường, cho nên cho Quang Khải làm tướng.” Sử gia chép vậy, liệu có thực là Tĩnh Quốc vương tài đức tầm thường?
Nhìn lại những người con của Trần Liễu như Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đều là những anh hùng, con gái có Thiên Cảm Nguyên Thánh hoàng hậu Trần Thị Thiều là mẫu nghi thiên hạ, người sinh ra Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau này. Lại thấy những người con do Thuận Thiên sinh ra: vua Trần Thánh Tông, Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải đều là bậc minh quân, danh tướng. Vậy thì có lẽ nào hai người con chung của Trần Liễu và Thuận Thiên là Vũ Thành Vương Trần Doãn và Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang lại không thừa hưởng chút thiên tư sáng suốt nào của cha mẹ? Người viết cho rằng chính thân thế đặc biệt của hai anh em, họ buộc phải im hơi lặng tiếng, giữ mình mờ nhạt giữa những cái tên lừng lẫy của anh em trong gia tộc.
Nếu như người anh trai cùng cha mẹ là Trần Doãn ngày càng thất thế, lạc lõng sau khi Thuận Thiên hoàng hậu và An Sinh vương Trần Liễu sớm qua đời, đã chọn cách bỏ đi, mang theo gia quyến trốn sang nhà Tống năm 1256 khi Đại Việt đứng trước nguy cơ chiến tranh với quân Nguyên Mông, rồi bị Thổ quan phủ Tư Minh nhà Tống là Hoàng Bỉnh bắt lại, đưa trả về nước. Thì có lẽ Trần Quốc Khang may mắn hơn khi còn chỗ dựa là vua Trần Thái Tông, cha con anh em trong nhà hoà thuận, chung sức đồng lòng cùng quân dân đánh bại Mông Cổ.
Vào năm Mậu Thìn 1268 dưới thời vua Trần Thánh Tông, “mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang cùng đùa ở trước mặt Thượng hoàng (tức vua Trần Thái Tông). Thượng hoàng bấy giờ mặc áo vải bông trắng, Tĩnh Quốc múa kiểu người Hồ được Thượng hoàng cởi áo ban cho. Vua cũng múa kiểu người Hồ để xin áo ấy. Quốc Khang nói: “Quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần không dám tranh với chú hai, nay đức chí tôn cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai muốn cướp lấy chăng?” Thượng hoàng cả cười nói: “Thế ra con coi ngôi vua với cái áo xoàng này không hơn kém gì nhau”, khen ngợi hồi lâu rồi cho Tĩnh Quốc cái áo ấy.” (Trích ĐVSKTT) Chỉ một chuyện nhỏ về cái áo bông của Thượng hoàng, qua câu trả lời của Trần Quốc Khang, ta có thể thấy ông ấy tài trí không hề tầm thường, vừa hiểu chuyện thế sự, vừa biết nói đùa đúng lúc đúng chỗ để tỏ cái ý mình không tranh quyền, vừa giữ được món quà là cái áo vua cha tặng cho mình, vừa khiến vua cha hài lòng, vừa không làm phật ý vua em.
Rất có thể sau sự việc cái áo, hai vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông đều thay đổi cách nhìn nhận về Trần Quốc Khang. Một năm sau đó, tháng 9 năm 1269, vua phong Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang làm Vọng giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân, trấn thủ Diễn Châu (Nghệ An).
4. MỘT ĐỜI TĨNH LẶNG ĐỔI LẤY GIA AN
Canh Ngọ, năm 1270, “Tĩnh Quốc Đại vương Quốc Khang dựng phủ đệ ở Châu Diễn, lộng lẫy quá mức thường. Vua nghe tin, sai người đến xem, Tĩnh Quốc sợ, mới tô tượng Phật để thờ (nay là chùa Thông)” (Trích ĐVSKTT). Có người cho rằng Quốc Khang xây dựng phủ đệ quá mức là cách để cho vua em an tâm Tĩnh Quốc đại vương thích hưởng lạc, không có mưu đồ khác. Có người cho rằng Tĩnh Quốc ưa sống xa hoa, để vua nhắc nhở mới đối phó mà nói thành xây chùa. Cá nhân người viết cho rằng cả hai nhận định đều có ý đúng. Dù ẩn ý là như thế nào thì kết quả về sau cho thấy cơ nghiệp nhà Trần đã yên vị ngôi quân chủ, không gặp chính biến, vua Trần Thánh Tông cũng không phải bận lòng về người huynh trưởng.
Sau này các con đích của Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang đều liên hôn với con đích của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải. Trần Quốc Khang được giao trọng trách trấn giữ Châu Diễn là phên giậu, biên giới phía Nam của Đại Việt lúc bấy giờ. “Về sau chức tri Diễn Châu đều là con cháu của Quốc Khang làm cả, đến khi dòng giống không có con trai, mới dùng người bản châu làm tri châu.” (ĐVSKTT)
Canh Tý, năm 1300, tháng 3 nhuận, Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang qua đời dưới thời vua Trần Anh Tông, hưởng thọ 64 tuổi. Một nhân vật có xuất thân hiển hách nhưng đã sớm gặp phải biến cố từ khi còn hoài thai trong bụng mẹ, một vương gia dưới 4 triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, một thần tử sát cánh với quốc gia giành chiến thắng trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1257, 1285, 1287), cuộc đời Trần Quốc Khang cũng trải đủ phong ba. Cha ruột ông Trần Liễu từng gây chính biến làm loạn ở Sông Cái, con ông cũng có kẻ hèn nhát khi đất nước bị xâm lăng mà đem quân đầu hàng giặc (Chương Hiến hầu Trần Kiện năm 1285 hàng giặc ở Ái Châu nhưng trên đường chạy về nước Nguyên thì bị tướng người Tày là Nguyễn Thế Lộc bắn chết, sau bị xoá Quốc tính đổi họ thành Mai Kiện), song bằng một chữ “tĩnh”, bằng thái độ khiêm cung, tấm lòng chân thành, hiểu thấu thế sự, dốc sức chăm lo bổn phận trấn thủ biên cương, Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang đã gầy dựng cho mình một đời bình an, cho con cháu mình giữ được tập ấm, gia đạo an vui nhiều đời.
Đọc thêm: