Thái Tổ Trần Thừa chính là người khai mở và đặt nền móng vững chắc cho triều đại hào khí Đông A kéo dài 175 năm với 12 đời hoàng đế. Những gì ông thực hiện trong cách thức cai trị đất nước, chủ trì gia sự để lại ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ quân vương kế tiếp, từ việc khuyến khích đạo Phật, chính sách đối nội đối ngoại, lệ các vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con rồi lên làm Thái thượng hoàng cùng vua con cai trị đất nước, quy định kết hôn trong nội tộc… đều được duy trì suốt triều đại. Ghi chép về vị Thái tổ đặc biệt này không nhiều, ông được nhắc đến chủ yếu ở vai trò là cha của vua Trần Thái Tông mà ít được nói đến trong những thành tựu hay các sự biến quan trọng diễn ra trong công cuộc chuyển ngôi và xây dựng cơ nghiệp nhà Trần.

1. Vị Thái Tổ chưa từng ở ngôi vua
Trong thời kỳ phong kiến tại các quốc gia Á Đông, miếu hiệu “Thái Tổ” thường được dành cho vị vua đầu tiên có công sáng lập ra triều đại mới. Thế nhưng Trần Thái Tổ Trần Thừa lại chưa từng ở ngôi vua. Ông là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần khi con trai ông - Trần Cảnh trở thành hoàng đế khai mở Trần triều.
Năm 1225, vua Trần Thái Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi sau màn chuyển giao Nữ đế Lý Chiêu Hoàng trút hoàng bào nhường ngôi cho chồng. Tân đế tuổi còn nhỏ, Trần Thừa trở thành người nhiếp chính cho con trai và cùng với người em họ - Thái sư Trần Thủ Độ làm chủ triều chính. Thái thượng hoàng Trần Thừa chính là người nắm thực quyền từ lúc con trai lên ngôi cho đến khi ông qua đời, tổng cộng là 9 năm.
Tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1234), Thượng hoàng Trần Thừa mất, thọ 51 tuổi, táng ở Thọ Lăng phủ Long Hưng (tỉnh Thái Bình), miếu hiệu là Huy Tông, thụy hiệu là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.
Tháng Giêng năm Mậu Thân (1248), vua Trần Thái Tông đổi miếu hiệu của ông từ Huy Tông thành Thái Tổ, đổi gọi Thọ Lăng thành Huy Lăng. Việc truy tôn miếu hiệu cho Thượng hoàng thành Thái Tổ không chỉ thể hiện tấm lòng hiếu kính của nhà vua mà còn là sự ghi nhận công lao to lớn của Trần Thừa được hậu nhân tôn là người sáng lập triều đại Đông A.
2. Cao thủ “ẩn thân” ngồi trong màn trướng định thời cuộc
Trần Thừa là con trưởng của Trần Lý, anh trai của Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung (còn có tên là Trần Nhị Nương, hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, mẹ của nữ đế Lý Chiêu Hoàng). Ông cũng là anh họ của Trần Thủ Độ và là cháu gọi Tô Trung Từ (trọng thần triều Lý) bằng cậu.
Năm 1209 vua Lý Cao Tông nhu nhược bất tài, chơi bời vô độ, bỏ bê triều chính, nghe lời gièm pha giết hại trung thần dẫn đến nạn Quách Bốc xảy ra, thiên hạ đại loạn. Thái tử Lý Hạo Sảm chạy nạn về Hải Ấp, nơi gia đình Trần Lý cai quản. Thái tử cảm mến Trần Thị Dung bèn lấy làm vợ và phong cho Trần Lý tước Minh tự. Nhân có chính lệnh, Trần Lý cùng em vợ là Tô Trung Từ (đang làm quan trong triều) phát triển lực lượng để đánh Quách Bốc. Lúc đó, Trần Thừa cùng em trai Trần Tự Khánh và em họ Trần Thủ Độ tham gia vào quân đoàn Hải Ấp. Năm sau (1210), Tô Trung Từ và Trần Lý đánh bại Quách Bốc nhưng Trần Lý tử trận. Trần Thừa là con trưởng song người con thứ hai của Trần Lý tức Trần Tự Khánh lại trở thành người lãnh đạo họ Trần. Có giả thuyết rằng Trần Thừa là con trưởng nhưng dòng thứ xuất, Trần Tự Khánh là con dòng đích nên được kế tục. Có người lại suy đoán Trần Tự Khánh là em nhưng có tài cầm quân, có năng lực hơn nên được Trần tộc chọn làm người kế nhiệm. Dù là vì lý do nào thì cũng từ đó, trong suốt 13 năm, Trần Thừa là người đứng sau em trai Trần Tự Khánh dẫn dắt đội quân họ Trần. Nhờ có sức mạnh quân sự, họ Trần chiếm ưu thế đánh thắng các thế lực cát cứ địa phương lại là ngoại thích của vua, dần dần Trần Tự Khánh và Trần Thừa nắm trọn quyền lực trong triều đình vua Lý Huệ Tông. Trong khi Trần Tự Khánh là Thái uý, võ tướng xông pha trận mạc thì Trần Thừa là Nội thị phán thủ hầu cận hoàng đế xử lý các việc ở hậu phương.
Năm 1223, Trần Tự Khánh đột ngột qua đời, Trần Thừa được Lý Huệ Tông phong làm Thái úy Phụ chính, ông cùng với người em họ Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ thao túng triều đình. Trần Tự Khánh nắm quyền hơn 7 năm vua Lý Huệ Tông tuy không có thực quyền song vẫn được yên vị. Nhưng từ khi Trần Thừa lên phụ chính thì chỉ trong vòng 2 năm sau nhà Lý mất ngôi về tay họ Trần. Từ việc sắp đặt cho Thuận Thiên công chúa lấy Trần Liễu, con trai trưởng của Trần Thừa tới sự kiện vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út Chiêu Thánh công chúa năm 1224 để xuất gia tu hành, từ việc an bài cho Trần Cảnh, con trai thứ kề cận Lý Chiêu Hoàng tới việc Nữ đế cưới Trần Cảnh khi mới chỉ là đứa trẻ 6 tuổi rồi nhường ngôi cho chồng năm 1225, hậu thế về sau thường nhắc tới là do Thái sư Trần Thủ Độ mưu tính sắp đặt. Nhưng nếu suy xét kỹ lưỡng đều có thể nhận ra “ván cờ” chuyển giao quyền lực chóng vánh từ nhà Lý sang nhà Trần chẳng thể thiếu phần bàn tay đặt đường đi nước bước của Trần Thừa, người lãnh đạo họ Trần khi đó.
Sử chép tháng 8 năm 1226, lo sợ lòng dân nhớ vua cũ, với ý đồ “nhổ cỏ tận gốc”, Trần Thủ Độ bức tử vua Lý Huệ Tông lúc này đã là Huệ Quang đại sư tu hành ở chùa Chân Giáo. Thời điểm đó vua Trần Thái Tông đã ở ngôi gần một năm, vua cũ Lý Chiêu Hoàng đã trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu, Lý Huệ Tông đã mất ngôi cũng chẳng có gì trong tay hơn 2 năm rồi và triều đình nhà Trần cũng không hề gặp phải sự kháng cự uy hiếp của thế lực nào. Vậy thì tại sao nhất định ép Lý Huệ Tông phải chết? Người viết mạo muội suy đoán rằng ngoài lý do dẹp trừ hậu hoạ thì còn là bởi Lý Huệ Tông còn sống thì vẫn đang có danh vị Thái thượng hoàng và Trần Thị Dung vẫn là đương kim Thái hậu. Chỉ khi Lý Huệ Tông chết rồi thì ngôi vị Thái thượng hoàng mới bỏ trống và Trần Thị Dung không còn là Thái hậu, lúc đó Trần Thừa và gia quyến mới có chính danh bước vào làm chủ hoàng cung.
Ngay sau cái chết của Lý Huệ Tông, tháng 10 năm đó, Trần Thừa được vua Trần Thái Tông tôn làm Thái thượng hoàng, ngự ở Phụ Thiên cung, chính thất Lê thị được tôn làm Quốc Thánh Hoàng thái hậu, gia quyến theo vào hoàng cung. Đồng thời Thái hậu Trần Thị Dung lập tức bị vua giáng xuống thành Thiên Cực công chúa và gả cho Trần Thủ Độ rồi được ban danh xưng mới là Linh Từ Quốc mẫu. Hẳn ai cũng thừa hiểu mọi chiếu chỉ của nhà vua thời điểm đó thực ra đều là ý chỉ của Thái thượng hoàng. Để tác thành hôn sự cho Trần Thủ Đô, Trần Thừa đã chấp nhận hôn nhân nội tộc và gả em gái cho em họ con chú của mình. Đó là hôn sự mở đầu rồi trở thành thông lệ về sau của hoàng tộc nhà Trần chỉ cho phép kết hôn trong nội tộc nhằm ngăn ngừa rủi ro đến từ ngoại thích khác họ.
Dường như những việc khuất tất, thị phi của họ Trần trong các sự kiện diễn ra dưới thời vua Trần Thái Tông người ta đều nghĩ ngay là mưu tính của Thái sư Trần Thủ Độ. Nhưng theo những gì chép lại về sự biến năm 1336, Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông phế Chiêu Thánh hoàng hậu và lập Thuận Thiên công chúa (chị của Chiêu Thánh, chị dâu của Trần Cảnh, vợ của Trần Liễu) đang mang thai 3 tháng làm hoàng hậu, khi Trần Liễu làm phản bất thành tìm đến thuyền Trần Thái Tông xin hàng, Trần Thủ Độ muốn giết Trần Liễu nhưng vua lấy thân mình che cho anh và hoà giải, Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: "Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?". Từ câu nói của Trần Thủ Độ có thể suy luận trước kia ông ấy rất có thể chỉ là người đứng ra thực thi chứ chưa chắc đã là người quyết định mọi việc trong Trần tộc. Để có được một người họ hàng và cũng là bề tôi trung thành sẵn sàng hành động, đứng ra gánh lấy tiếng xấu như Trần Thủ Độ thì Trần Thừa phải là cao thủ chính trường, bậc thầy mưu kế, giỏi thu phục nhân tâm mới có thể ẩn thân nơi màn trướng mà lấy được lòng người, định cuộc thiên hạ.
3. Bậc thầy “mỹ nhân kế”, Đế vương đa tình
Trần Thừa là bậc thầy mưu kế, trong cuộc đời mình ông đã nhiều lần sử dụng mỹ nhân kế để đối phó tiêu diệt kẻ thù và thu phục tướng dưới trướng. Năm 1211, khi em họ ông là Tô thị (con gái của Tô Trung Từ) tố cáo việc bộ tướng của Tô Trung Thừa là Nguyễn Trinh giết chồng cướp vợ, ông lập mưu sai Tô thị dụ Nguyễn Trinh đến và giết chết. Năm 1226, Trần Thừa đem gả em gái là cựu Thái hậu Lý triều cho Trần Thủ Độ củng cố lòng trung thành sống chết vì cơ nghiệp nhà Trần của Thủ Độ. Năm 1228, triều đình đem Ngoạn Thiềm công chúa gả cho Nguyễn Nộn thế lực cát cứ còn lại sau cùng để ngầm dò la tin tức. Và hẳn là còn nhiều sự việc “ban hôn” khác mà sử sách không ghi chép lại.
Giỏi sử dụng mỹ nhân kế, đồng thời Trần Thái Tổ cũng là vị Đế vương đa tình. Toàn thư chép năm 1226 ngay sau khi vua Trần Thái Tông tôn cha làm Thái thượng hoàng liền ra sắc lệnh tuyển thục nữ trong dân gian sung làm cung nhân. Theo các tư liệu ghi nhận ông có ít nhất 5 người con trai (Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu, Trần Bà Liệt, Trần Di Ái) và 3 người con gái (Thuỵ Bà công chúa, Ngoạn Thiềm công chúa, Thiên Thành công chúa). Trong đó riêng Trần Bà Liệt là con rơi tới tận năm 1232 mới được nhận. Chuyện kể rằng Bà Liệt là kết quả của mối tình phong lưu thưở hàn vi khi Thượng hoàng còn làm tướng quân với người con gái ở thôn Bà Liệt (Tây Chân, Nam Định). Bà Liệt lớn lên, mặt mũi khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Có một hôm Bà Liệt cùng với người trong đội đánh vật, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp hầu gần nghẹt thở, Thượng hoàng trông thấy thét to lên rằng: “Con ta đấy”. Người ấy sợ lạy tạ. Ngay ngày hôm ấy Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, vua bèn phong cho Bà Liệt làm Hoài Đức Vương.
Thái Tổ Trần Thừa chính là người khai mở và đặt nền móng vững chắc cho triều đại hào khí Đông A kéo dài 175 năm với 12 đời hoàng đế. Những gì ông thực hiện trong cách thức cai trị đất nước, chủ trì gia sự để lại ảnh hưởng rất lớn tới các thế hệ quân vương kế tiếp, từ việc khuyến khích đạo Phật, chính sách đối nội đối ngoại, lệ các vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con rồi lên làm Thái thượng hoàng cùng vua con cai trị đất nước, quy định kết hôn trong nội tộc… đều được duy trì suốt triều đại. Ghi chép về vị Thái tổ đặc biệt này không nhiều, ông được nhắc đến chủ yếu ở vai trò là cha của vua Trần Thái Tông mà ít được nói đến trong những thành tựu hay các sự biến quan trọng diễn ra trong công cuộc chuyển ngôi và xây dựng cơ nghiệp nhà Trần. Song không thể không thừa nhận Thái Tổ Trần Thừa quả thực rất tài năng, giỏi mưu lược và có phong thái đế vương thượng võ, khoáng đạt, được lòng người.
Đọc thêm: