Nguyễn Kim - Người Đặt Nền Móng Trung Hưng
Đăng lúc:
1749714957000
Trong:
Lịch sử
<div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>Đại Việt kể từ Thái tổ Hoàng đế Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lấy lại nền độc lập, dựng nên triều Lê, trải gần trăm năm thái bình thịnh trị. Cho tới khi "vua quỷ" Lê Uy Mục, "vua lợn" Lê Tương Dực thay nhau làm lung lay cơ đồ của nhà Lê. Hậu quả là loạn lạc liên miên, tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung bước ra ánh sáng, từng bước thâu tóm quyền lực của nhà Lê. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Lê Cung Hoàng, tự mình lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Mạc. Hành động tiếm ngôi này của Mạc Đăng Dung đã khiến cho các cựu thần nhà Lê thực sự nổi giận, liên tiếp không ít người đứng lên chống lại nhà Mạc. Nổi bật trong số ấy, có một hậu duệ của dòng họ khai quốc công thần nhà Lê, đó là Nguyễn Kim thuộc họ Nguyễn ở Gia Miêu, Thanh Hóa. </p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b>THÂN THẾ
</b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Theo Nguyễn Phước Tộc Thế Phả, Nguyễn Kim là con trai trưởng của Trừng Quốc công Nguyễn Văn Lưu. Hoàn toàn không phải là con trai của Nguyễn Hoằng Dụ như ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thuyết này của Toàn Thư được Đại Nam Thực Lục Tiền Biên chép lại khiến cho sự hiểu lầm càng thêm tai hại. Thực tế, Nguyễn Hoằng Dụ là con trai của Nghĩa Quốc công Nguyễn Văn Lang, một đại thần trải hai đời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực. Theo gia phả họ Nguyễn, Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Văn Lang là anh em họ, như vậy Nguyễn Kim và Nguyễn Hoằng Dụ cũng là anh em họ. Không hiểu bằng một phép màu nào mà Toàn Thư lại biến họ thành cha con.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Với danh phận là hậu duệ của dòng họ công thần khai quốc nhà Lê, lại đang giữ chức Hữu vệ Điện tiền Tướng quân, Nguyễn Kim đâu thể ngồi yên nhìn Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nhưng có vẻ ông ta là một người lý trí, phải đợi tới khi được vua Ai Lao là Sạ Đẩu đồng ý cho tị nạn chính trị ở Sầm Châu thì Nguyễn Kim mới đem theo thuộc hạ và gia quyến tránh sang đó. Thời điểm ấy là năm thứ 3 nhà Mạc tiếm ngôi. Có đất dung thân, Nguyễn Kim yên tâm nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp những kẻ chạy trốn nhà Mạc, ngầm cho người đi tìm con cháu họ Lê để mưu khôi phục Lê triều. </p></div><div class="block-wrapper" type="image"><img src="/api/v1/media/a1d0ba08890aa4b10a2a9fa1d0e448afa3b2e9a9bbf261a8bbc1d035029017fc.png"alt="10.png"style="max-width: 100%;"></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b>TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN
</b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không hề ghi chép về trận đánh đầu tiên của Nguyễn Kim với quân Mạc, mà chỉ ghi nhận cuộc nổi dậy chống nhà Mạc của Lê Ý, cháu ngoại của họ Lê. Chiến dịch này của Nguyễn Kim được ghi chép khá rõ trong Đại Nam Thực Lục Tiền Biên.
</p></div><div class="block-wrapper" type="quote"><blockquote style="text-align: left;"><p class="quote-body">
"Năm Canh Dần [1530], ông [Nguyễn Kim] đem quân ra Thanh Hoa. Mạc Đăng Doanh sai tướng là Ngọc Trục chống cự, đánh nhau ở huyện Lôi Dương, Ngọc Trục thua chạy"
</p><span class="quote-caption">Đại Nam Thực Lục Tiền Biên</span></blockquote></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Chưa dừng lại ở đó, năm sau Nguyễn Kim đụng độ với một tướng Mạc khác là Nguyễn Kính và đại thắng. Ông tiếp tục tiến quân đến huyện Gia Viễn và lại đánh bại Lê Bá Ly, một viên tướng nhà Mạc khác. Chỉ khi thủy quân Mạc kéo tới vây, Nguyễn Kim mới rút quân về Sầm Hạ ở Ai Lao. Tuy nhiên, đây là sử nhà Nguyễn nên việc vẽ thêm chiến tích để nâng uy danh của Nguyễn Kim là điều hết sức bình thường.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Đáng nói là Nguyễn Phước Tộc Thế Phả chép chiến dịch này chỉ có hai câu đơn giản, nhưng có vẻ khá hợp lý: <i>"Năm Kỷ Sửu [1529], ngài [Nguyễn Kim] đem quân về Thanh Hóa đánh nhà Mạc, thắng trận liên tiếp. Năm Canh Dần [1530], quân ngài bị tổn thất. Ngài phải tạm lui về Ai Lao chỉnh đốn lại binh mã"</i>.
</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Như vậy, chúng ta có thể tóm tắt chiến dịch này như sau: Nguyễn Kim đem quân về Thanh Hoa đánh bại quân Mạc. Nhưng qua năm sau, ông đã tổn thất nặng nề đến mức phải rút về Ai Lao. Trận ra quân đầu tiên này của Nguyễn Kim được ghi chép chi tiết nhất trong Đại Việt Thông Sử, phần Mạc Đăng Doanh truyện.
</p></div><div class="block-wrapper" type="quote"><blockquote style="text-align: left;"><p class="quote-body">
"Tháng 12, cựu thần của nhà Lê là An Thành hầu Nguyễn Kim, nhân lánh loạn sang ở châu Sầm Thượng, Sầm Hạ bên nước Ai Lao, chiêu tập các người trung nghĩa, nuôi dưỡng binh tướng, gồm vài nghìn người, 30 con voi và 300 con ngựa. Đến đây, theo thỉnh cầu của các tướng, bèn dẫn quân về kinh lược xứ Thanh Hoa. Ông đóng quân ở Lôi Dương, bị phục binh của Ngọc Trục hầu là tướng của Đăng Doanh đánh phá tan".</p><span class="quote-caption">Đại Việt Thông Sử</span></blockquote></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>T rận đầu ra quân của Nguyễn Kim đã thua tan tác, nhưng vẫn chưa bị diệt hoàn toàn. Theo Lê Quý Đôn, năm sau Đăng Doanh lại sai Tây quốc công Nguyễn Kính vào đánh Nguyễn Kim đang đóng ở Thanh Hoa. Lần này Nguyễn Kim đón đầu đánh tan quân của Kính, rồi chia quân đóng ở các huyện. Kính cố gắng phản đòn bằng cách đánh vào Đông Sơn, nhưng lại bị Nguyễn Kim phá được, quân Kính tổn thất nghiêm trọng. Chỉ tới khi mưa lớn, nước sông dâng cao, quân Mạc lại dùng chiến thuyền tiến đánh thì quân của Nguyễn Kim mới tán loạn, buộc ông ta phải rút về Ai Lao. Mạc Đăng Doanh cũng không truy đuổi, năm ấy Thanh Hoa gặp nạn đói lớn.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Sau thất bại này phải đến tận năm 1533, lực lượng của Nguyễn Kim mới tìm thấy con trai của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh ở Ai Lao. Ngay lập tức, ông lập Ninh lên làm vua, tức vua Lê Trang Tông. Từ đây, Nguyễn Kim mới có chính danh để chiêu tập lực lượng ủng hộ nhà Lê đầu về dưới trướng mình. Trong số đó có một người sẽ kế thừa sự nghiệp trung hưng nhà Lê do Nguyễn Kim khởi xướng, một người vẫn bị người đời sỉ vả là "tên trộm ngựa", một người có tên là Trịnh Kiểm. </p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b>TIẾN QUÂN VỀ THANH HOA
</b></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Năm 1533, Lê Trang Tông lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, lo liệu mọi việc trong ngoài. Nước đi đầu tiên sau khi lên ngôi của vua Lê chính là mang tới cho nhà Mạc một đối thủ khổng lồ, nhà Minh. Vua Lê sai Trịnh Duy Liêu đi sứ sang nhà Minh, tố cáo họ Mạc tiếm loạn. Hay tin, vua Minh lập tức sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ, cùng với Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân áp sát biên giới, chuẩn bị đánh nhà Mạc.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Hành động này của vua Lê tuy mang lại hiệu quả lớn, nhưng cũng bị đời sau chê trách vì tạo cớ cho quân Minh tiến vào lãnh thổ Đại Việt. Đổi lại, trong vòng mấy năm nhà Mạc phải tìm mọi cách để đối phó với nhà Minh, Nguyễn Kim có thời gian để chiêu tập lực lượng, củng cố thế lực cho vua Lê. Trong số những người đầu về với Nguyễn Kim có một người tên là Trịnh Kiểm. Theo sử nhà Nguyễn thì Nguyễn Kim khi ấy thấy Kiểm có tài lạ, bèn gả con gái lớn là Ngọc Bảo cho, lại phong cho làm tướng quân, sai trông coi kỵ binh, lại xin cho tước Dực Nghĩa hầu.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Điểm đáng chú ý là khi đó Trịnh Kiểm đã có vợ cả họ Lại, thuộc dòng họ Lại ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Đây là dòng họ có thế lực lớn, truyền nhiều đời. Theo gia phả họ Lại thì có thể nhắc tới những danh nhân như: Gián nghị đại phu Lại Linh thời Lý; Lại Đôn Tín tham gia khởi nghĩa Lam Sơn sau được Lê Thánh Tông truy phong là Trung dũng tướng quân; hay tiến sĩ Lại Kim Bảng vì từ chối làm quan cho nhà Mạc mà tuẫn quốc; hoặc Đông Nham bá Lại Thúc Mậu từng theo vua Lê Chiêu Tông đi đánh dẹp loạn Trần Cảo.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Với một người nắm đại quyền trong tay khi đó như Nguyễn Kim thì sao có thể để con gái lớn hạ giá làm vợ lẽ một kẻ vô danh như Trịnh Kiểm. Đáp án cho câu hỏi lớn đó chỉ có thể là ngài Thượng phụ thái sư nhắm vào thế lực bên vợ của Kiểm. Trong buổi đầu thiếu cả quân lực và tài lực, việc có thêm một thế lực lớn gia nhập là điều vô cùng bức thiết, hành động nhún mình ấy của Nguyễn Kim cũng là một nước đi khôn ngoan.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Sau 6 năm chuẩn bị lực lượng, năm 1539, vua Lê Trang Tông phong cho Trịnh Kiểm làm Dực quận công, Trịnh Công Năng làm Tuyên quận công và Lại Thế Vinh làm Hòa quận công. Cùng các tướng chia nhau đem quân bản bộ tiến đánh vùng Lôi Dương, thuộc về Thanh Hoa. Một năm sau Mạc Đăng Doanh chết, con trai ông ta là Mạc Phúc Hải lên kế vị. Tận dụng thời cơ, Thái sư Nguyễn Kim đem quân về đánh Nghệ An, hào kiệt đất ấy theo về rất đông.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Trong giai đoạn Nguyễn Kim đóng quân ở Nghệ An có một sự kiện thú vị là việc Tây An hầu Lê Phi Thừa phản nhà Mạc về quy thuận nhà Lê. Đến đây, Phi Thừa thường nói ra những lời phẫn uất, kiêu căng, ngang ngược. Thái sư Nguyễn Kim sai người bóp cổ chết. Câu chuyện này khá tương đồng với chuyện Hứa Du phản Viên Thiệu theo Tào Tháo vào thời Tam Quốc, vì cậy công sinh ra kiêu căng rồi bị Hứa Chử giết chết. Lẽ nào sử quan muốn ám chỉ Nguyễn Kim cũng bắt thiên tử lệnh chư hầu như Tào Tháo?</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Chỉ biết rằng, Nguyễn Kim từ khi lập vua Lê Trang Tông, nuôi dưỡng lực lượng ở Ai Lao, cho đến khi kéo quân về Thanh Hoa thì thế không thể cản, đánh đâu thắng đó. Trận thắng lớn nhất chính là đánh bại Hoằng vương Mạc Chính Trung, khiến Tổng trấn Thanh Hoa là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất phải dẫn quân đầu hàng. Nhà Lê chính thức lấy được Tây Đô (tức Thanh Hoa). Sau chiến công này, Nguyễn Kim được vua Lê Trang Tông gia thăng làm Thái tể Đô tướng Tiết chế tướng sĩ các dinh, sai đi bình định các vùng tây nam. </p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><b>CHẾT VÌ MIẾNG DƯA ĐỘC
</b></p></div><div class="block-wrapper" type="image"><img src="/api/v1/media/fbe476990c762427cbc3e8070ad7225b4a7e2fc1643ec31acb3a68e4a6d8f7f4.png"alt="9.png"style="max-width: 100%;"></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Giữa lúc thế thắng như chẻ tre, nội bộ nhà Lê liên tiếp xảy ra những vụ phản biến. Đầu tiên là Tuyên quận công Trịnh Công Năng nổi quân làm phản, chiếm giữ vùng đầu nguồn Quảng Bình (nay là huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), dựng đặt doanh trại. Vua Lê Trang Tông bèn sai Dực quận công Trịnh Kiểm đi đánh dẹp, giết được Năng.
</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Nhưng vụ làm phản nổi tiếng nhất đến từ hàng tướng Dương Chấp Nhất. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:
</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p><i>
"Tháng 5, ngày 20, hàng tướng Mạc là Trung Hậu hầu [Dương Chấp Nhất] ngầm chứa hai lòng, mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh của hắn, bỏ ngầm thuốc độc trong quả dưa dâng lên trước mâm cỗ, Kim tin thực ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất, Trung Hậu hầu đêm ấy trốn đi, lại quay về với họ Mạc"
</i></p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Như vậy có thể thấy, Dương Chấp Nhất đầu hàng khi đại quân nhà Lê kéo vào Thanh Hoa chỉ là kế trá hàng. Viên tướng hoạn quan này đã âm thầm ẩn nhẫn chờ thời cơ. Cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên đều cho rằng người Dương Chấp Nhất muốn ám hại là vua Lê Trang Tông. Tuy nhiên, vì không tìm được cơ hội hại vua Lê, nên họ Dương đã chuyển mục tiêu sang Thái tể Nguyễn Kim. Mục đích chính của hành động này là khiến thượng tầng của nhà Lê rối loạn, thiếu người chỉ huy dẫn đến tan vỡ.
</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Ngay sau sự kiện này, Đại Việt Thông Sử ghi nhận nhà Mạc đã tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn dưới sự chỉ huy của Thái tể Ninh quốc công. Đáng tiếc, Mạc Phúc Hải dường như không đếm xỉa tới Dực quận công Trịnh Kiểm, người thay thế Nguyễn Kim, Kiểm đã dẫn quân tiên phong đánh tan quân của Ninh quốc công một cách dễ dàng. Sau chiến công này, Trịnh Kiểm được vua Lê Trang Tông phong làm Đô tướng Tiết chế các dinh thủy bộ, Thái sư Lượng quốc công. Nói cách khác, Trịnh Kiểm đường đường chính chính kế nhiệm Nguyễn Kim, người vừa nằm xuống. Hai người con của Nguyễn Kim cũng được phong chức, có lẽ là để xoa dịu phe cánh họ Nguyễn. Con trưởng Nguyễn Uông được phong làm Lãng quận công, con thứ Nguyễn Hoàng làm Hạ Khê hầu, sai cầm quân đánh giặc.</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Công lao to lớn của Nguyễn Kim trong việc đặt nền móng cho sự nghiệp trung hưng nhà Lê là không thể bàn cãi. Có điều người hoàn thành sự nghiệp ấy, đáng tiếc không phải họ Nguyễn mà lại là một người họ Trịnh. Tuy nhiên, người con thứ Nguyễn Hoàng của ông sẽ là người đặt nền móng cho một công nghiệp khác, công nghiệp "vào Nam mở cõi".</p></div><div class="block-wrapper" type="paragraph"><p>
Nhưng đó là một câu chuyện khác, bởi quyền lực của Nguyễn Kim giờ đây đã rơi vào tay Trịnh Kiểm, một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Đại Việt. </p></div>