Đại Chiến Constantinople - Kỳ 7: Ngày Tàn Của La Mã

Ảnh đại diện
Phạm Vĩnh Lộc Cộng tác viên
image.png

Ngày 22 tháng 5, đèn đuốc được thắp sáng khắp đường phố. Bài thánh ca vang lên không còn ấm áp, thiêng liêng nữa, mà bi ai, sầu thảm. Một màn sương kỳ lạ như tấm chăn dày bao trùm nỗi sợ hãi lên toà thành cổ. Tâm trạng người dân ngày càng bi đát. Họ thấy bóng tối bủa vây như ngày Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá.

Đêm đó, giữa tiếng đọc kinh lầm rầm, người ta thấy một ánh sáng kỳ lạ. Bầu trời xuất hiện mặt trăng máu. Trên nóc thánh đường Hagia Sophia, một quầng lửa lớn bao quanh mái vòm nhà thờ rồi bay lên không trung. Người ta chạy Đông chạy Tây hỏi thăm tin tức. Ai cũng không giấu được vẻ hoang mang. 

- Chúa thương xót!

- Ngài rời bỏ chúng ta!

Loukas Notaras đứng ở trên ban công nhìn xuống, nói:

- Tinh thần người dân bắt đầu dao động rồi.

Vua Constantine nhìn sang Giustiniani:

- Mặt trăng máu là điềm rất xấu.

Giustiniani nắm chặt đốc kiếm:

- Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Còn thở là còn gỡ.

Bên ngoài tường thành, Mehmed lặng nhìn các thiên tượng kỳ lạ liên tiếp diễn ra trên bầu trời. Tâm can ngài ta cũng chấn động trước khung cảnh khải huyền đó. Đức Chúa trời đứng về phía ai? Ottoman hay Byzantine?

- Tại sao chúng không đầu hàng cơ chứ. Khốn nạn!

Ngài ta đã đánh giá quá thấp sức chịu đựng của quân dân Byzantine và sự bề thế của thành phố. Nó đã đứng vững hàng ngàn năm hẳn phải có nguyên do. Mehmed chẳng qua cũng chỉ điền thêm vào danh sách dài dằng dặc những kẻ bại trận trước cổng Constantinople.

Thiên tượng kỳ dị này lại xảy ra vào ngày 26 tháng 5, ánh sáng lại chiếu xuống Hagia Sophia. Mehmed cho tập trung toàn bộ các nhà tiên tri lại hỏi:

- Ánh sáng đó là sao? Có phải Đức Chúa trời vẫn đứng về phía bọn chúng? Phải thế không?

Tuy nhiên vẫn không ai lý giải được. Ngài ta nói:

- Ta nên hoà hay nên đánh? Nếu các khanh đồng thanh nói hoà, sáng sớm mai ta lập tức lui binh.

Bỗng nhiên ánh sáng chiếu trên đầu Hagia Sophia tắt đi, bóng tối lại bao trùm vạn vật. Tim Mehmed đập thình thịch:

- Vậy là rõ. Đức Chúa trời đứng về phía chúng ta. Thiên mệnh của người La Mã chấm dứt rồi!

Bên trong thành bấy giờ, sự hoảng loạn mỗi lúc một trầm trọng. Loukas Notaras và Giovanni Giustiniani thấy rõ sắc mặt đau đớn của nhà vua. Ông cứ đứng bần thần giờ lâu trước bức tượng của Constantine Đệ Nhất, người đã dựng nên thành phố này, rồi cúi đầu xuống, nước mắt lưng tròng.

Đêm ngày 28 tháng 5, bên ngoài tường thành, tiếng của quân Ottoman hò hét ầm ầm như bão biển đập vào vách đá. Toàn bộ cư dân bên trong Constantinople nhận ra thời khắc cuối cùng sắp đến. Vua Constantine lệnh cho các linh mục cầm theo thánh giá, biểu tượng và biểu ngữ, dẫn theo phụ nữ cùng trẻ em đến các bức tường cầu khẩn Đức Chúa trời đừng trao thành phố vào tay kẻ thù. Bản thân nhà vua cùng toàn bộ các quý tộc, binh sĩ, nam phụ lão ấu cũng làm điều tương tự. Sau đó ông nói:

- Đêm nay, có bốn điều đáng để chúng ta hy sinh vì nó. Thứ nhất, cho đức tin và tôn giáo của ta. Thứ hai, cho quê hương đất nước của ta. Thứ ba, cho Đức Vua của chúng ta, người đại diện cho Đức Chúa trời nơi trần thế. Thứ tư, cho bằng hữu và gia quyến của chúng ta. Hỡi ba quân tướng sĩ, nếu chúng ta phải chết đêm nay, cũng nguyện chết vì bốn điều thiêng liêng đó!

Rạng sáng ngày 29 tháng 5, Mehmed tổ chức đợt tấn công tổng lực cuối cùng. 

Một loạt đại bác rền vang, cả ngôi thành chấn động dữ dội như động đất. Đại bác của Mehmed thổi bay một phần tường gần cổng Thánh Romanus. 3000 quân Ottoman tràn lên tiến công. Quân Byzantine vẫn cố thủ được lần nữa. Tuy nhiên, người Thổ đã cố hết sức chiếm được một tháp canh và cắm cờ Ottoman trên đó. 

- Constantinople thất thủ rồi!

Binh sĩ Byzantine ở xa nhìn thấy lá cờ mặt trăng màu đỏ ngạo nghễ tung bay thì thất kinh hồn vía.

Giustiniani gào thét:

- Giữ vững vị trí, ai bỏ chạy chém đầu!

Đột nhiên hàng loạt mũi tên bay đến găm thẳng vào ngực viên tướng người Genoa. Giustiniani “Hự” một tiếng rồi ngã nhào xuống. Viễn ảnh ông thấy trong giấc mơ đã trở thành sự thực. Ván cờ này, Mehmed là người chiến thắng.

- Không… được… bỏ… vị… trí….

Giustiniani không còn sức vung gươm nữa. Vết thương quá nặng và được đưa ra khỏi chiến trường. Đây là đòn đánh chí tử vào sĩ khí Byzantine. Cuối cùng, khi vài trăm quân Ottoman tiến vào thành phố gần cổng Thánh Romanus, người người ồ ạt tìm cách lên thuyền tháo chạy khỏi thành phố. Binh bại như núi đổ.

- Vậy là 2000 năm La Mã cuối cùng kết thúc tại đây.

Vua Constantine cay đắng nhìn kinh đô chìm trong hoả ngục. Ông đã làm hết sức mình. 7000 quân giữ thành cũng đã cầm cự đến sức tàn lực kiệt, không thể ráng hơn được nữa. Những bức tường sừng sững của Theodosia chỉ còn là ảo ảnh của một quá khứ hùng mạnh.

Loukas Notaras nắm lấy tay nhà vua:

- Di tản thôi bệ hạ, thuyền đợi sẵn rồi. Chúng ta sẽ trở về Constatinople vào một ngày khác!

Vua Constantine cúi gằm mặt. Rồi ông giằng tay ra, rút thanh gươm hướng lên trời cao:

- Hậu duệ bất tài, xin tổ tiên thứ tội!

Nói đoạn nhà vua nhảy lên con ngựa trắng. Cùng với những thân binh còn lại, ngài xông thẳng vào đám quân Thổ trong tiếng thét xông trận cuối cùng. Chiếc áo choàng tím quý phái của nhà vua nằm lặng trên nền thành phố, ám khói và đầy bụi đất. Đế chế La Mã đã chết như vậy đấy.

Ngày 29 tháng 5 năm 1453 là bước ngoặt trong lịch sử.

Vị Sultan Hồi giáo bước qua cánh cổng kinh đô Constantinople, thành phố vĩ đại nhất địa cầu. Sau 2 tháng bao vây, Mehmed hoàn thành kỳ tích mà suốt 1500 năm biết bao người đã cố gắng và thất bại: Vĩnh viễn chiếm lấy Constantinople. Ở tuổi 21, nhà vua trẻ tiêu diệt hoàn toàn đế chế La Mã, một lần này và mãi mãi. 

Đánh mất Constantinople là thảm họa khiến phương Tây mấy trăm năm sau vẫn còn hối hận, nhưng điểm sáng của nó là đã tạo nên một thời đại mới. Khi các học giả Hy Lạp bỏ chạy, họ mang theo những tàng thư bí tịch của Hy Lạp cổ đại sang phương Tây, thắp sáng nên thời Phục Hưng.

Về phần Ottoman, họ trở thành thế lực hàng đầu thiên hạ trong 300 năm. Đế chế đó sẽ đặt Constantinople là trung tâm quyền lực, tiếp tục thống trị 1/3 châu Âu, phần lớn Bắc Phi, toàn bộ Trung Đông đến vịnh Ba Tư, thậm chí đã có lúc vươn tới Đông Nam Á. Cho đến khi bị lực lượng Thiên thần Chiến kỵ Ba Lan chặn đứng ở cửa ngõ thành Vienna, đà tiến của Ottoman tưởng như không có điểm dừng.

Cuối cùng, rất ít người trong dòng chảy nhân loại được tự xưng là kẻ chinh phục và Mehmed là một trong số đó.

Ngày nào đó, một kẻ vĩ đại cùng đoàn hùng binh của hắn sẽ chinh phục thành công Constantinople” - Nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad. 

image.png
Istanbul Ottoman Byzantine Constantinople
Còn lại: 5