Ngày 5 tháng 4 năm 1453, Mehmed đến Constantinople cùng đoàn quân cuối cùng. Nhà vua đã nghiên cứu rất kỹ về tòa thành này và các lớp phòng thủ của nó.
Theo như binh pháp Tôn Tử:
“Phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi thì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch”
Mehmed chưa từng đọc binh pháp Tôn Tử, nhưng phép dùng binh cũng gần đúng như thế. 8 vạn quân Ottoman đương đầu với 7 ngàn quân Byzantine, một sự chênh lệch khủng khiếp. Dũng sĩ Suleiman Baltoghlu nói:
- Tâu bệ hạ, lũ chuột La Mã cậy có thế hiểm thành cao hào sâu. Ta chỉ cần vây chặt Constantinople và diệt gọn viện binh là chúng không thể thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng. Thế nào cũng mở cửa đầu hàng để khỏi chết đói.
Mehmed cười:
- Việc này giao cho khanh. Bất cứ thuyền phương Tây nào bén mảng với ý đồ tiếp tế cho Constantinople, cứ thẳng tay đánh chìm chúng xuống biển Marmara.
Sau khi chiếm hết những cứ điểm phòng ngự bên ngoài Constantinople, trận vây hãm bắt đầu.
Quân đội Ottoman đóng trại đối diện với kinh đô La Mã. Họ bắt đầu triển khai thế trận đại bác. Muốn hạ thành phố vĩ đại này, bắt buộc phải bắn sập những bức tường của nó.
Ngày 6, vua Constantine lo lắng:
- Thành phố sẽ chịu đựng được trong bao lâu?
Giustiniani nheo mắt:
- Có thể vài tháng, cho đến khi chúng nó mệt mỏi tự rút lui như ngày xưa. Murad còn không hạ được Constantinople thì sá gì thằng con trai non choẹt của ông ta.
Giustiniani vừa dứt lời, một tiếng “Ầm” long trời lở đất vang lên. Cả một mảng tường thành rung lên như gặp địa chấn. Vua Constantine hoảng hồn:
- Cái gì vậy? Cái gì vậy???
Ở phía đường chân trời, giữa những khẩu đại bác nhỏ, nổi bật lên là khẩu đại bác khổng lồ. Khẩu đại bác to đến mức chưa ai từng thấy. Đại công tước Loukas Notaras lồm cồm bò dậy, lắp bắp:
- Chính hắn, tên khốn đó!
Mehmed mỉm cười nhìn về Constantinople. Tường thành bấy giờ đã thủng một lỗ sâu hoắm. Nhà vua ngoái đầu ra sau hỏi:
- Bao giờ bắn được tiếp, Orban?
- Khoảng 3 giờ nữa, thưa bệ hạ.
- Càng nhanh càng tốt nhé. Ta muốn chúng khiếp đảm đến mức tự giác ra khỏi thành đầu hàng.
Người kỹ sư Hungary gật đầu vâng dạ rồi tiếp tục điều phối. Quả thật cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Kinh doanh chứ không phải làm từ thiện, Orban sẵn sàng bán phát minh của mình cho bất cứ ai đáp ứng được mức giá “khủng”, xứng đáng với công sức ông ta bỏ ra.
- Chắc chắn bắn thủng được Constantinople không?
- Tôi đã từng sống ở Constantinople và khảo sát bức tường nhiều năm. Với khẩu Basilic này, bây giờ có là thành Babylon thì cũng sập!
Mehmed phóng tầm mắt về kinh đô cổ xưa của người La Mã, nhẩm tính rằng sẽ cần bao nhiêu đợt oanh tạc nữa để hạ gục nó. Ngay từ trước khi bắt đầu, Mehmed biết mình phải đối diện với hệ thống phòng thủ kiên cố nhất thế giới. Khi nhìn thấy bản thiết kế của Orban, Mehmed nhanh chóng cho đúc thử một mẫu. Khẩu súng demo này đã bắn chìm một tàu buôn Venice ngay lập tức khi nó từ chối nộp tiền để qua vịnh Bosphorus. Đó là lý do Mehmed quyết định xuống tiền để đúc phiên bản khổng lồ: Basilic.
Khẩu Basilic đặt trước lều nhà vua dài hơn 8m. Mất tối thiểu 3 tháng để nó xuất xưởng. Để kéo Basilica đến chiến trường, Ottoman phải dùng tới 60 con bò cùng 400 người. Thậm chí, những quả đạn khổng lồ dành cho Basilic cũng không thể chế tạo hàng loạt. Vì Basilic còn khuyết điểm, quân đội Ottoman vẫn phải dùng các khẩu đại bác nhỏ hơn để bắn hạ Constantinople. Sultan hạ lệnh cho thành lập xưởng đúc súng cách Constantinople 240km để liên tục chế tạo thần công.
Ngày 7, Mehmed cho bộ binh nhẹ tiến công thăm dò. Tuy nhiên, quân Ottoman nhanh chóng bị đẩy lùi.
- Một ngày chỉ bắn được vài phát thôi sao Orban?
- Thưa bệ hạ, nếu lạm dụng sẽ rất nguy hiểm.
Orban vội vã đáp trong lúc đang kiểm tra tình trạng Basilic. Nòng súng toả ra nhiệt lượng hừng hực sau mỗi phát bắn. Các kỹ sư phải dùng dầu ô liu ấm để thấm ướt nòng súng nhằm ngăn chặn khí lạnh tràn vào khiến các vết nứt toác ra. Orban phải lót thêm một lớp đồng dày 20cm để ngăn ngừa Basilic phát nổ giữa chừng.
Quả thật Basilic bắn rất mạnh. Nó dư sức đẩy quả đạn nặng hơn nửa tấn bay xa hàng cây số, gây nên những lỗ thủng sâu hắm lên tường thành Constantinople. Tuy nhiên, Basilic bắn chậm đến sốt ruột. Cách ba giờ chỉ bắn được một phát. Điều này giúp quân dân Byzantine có đủ thời gian sửa chữa những đoạn tường thành hư hại trước khi Ottoman phát động một đợt oanh tạc mới.

Ngày 8 và 9, Giovanni Giustiniani vận đầy đủ giáp trụ, dẫn theo các chiến binh Byzantine xông ra ngoài thành.
- Chết đi bọn Thổ!
Giustiniani dũng mãnh tả xung hữu đột, chém giết rất nhiều, trước khi rút quân về lại Constantinople. Mehmed kinh ngạc:
- Kẻ này là ai?
Dũng sĩ Suleiman Baltoghlu đáp:
- Giovanni Giustiniani, tay lính đánh thuê đến từ Ý, chuyên gia thủ thành. Nếu không giết được hắn, e rằng quân ta sẽ gặp không ít khó khăn?
Ngày 11, quân Ottoman nã đạn liên tục vào tường. Tuy nhiên, thời ấy đại bác dùng loại đạn đặc chứ không phải đạn nổ. Những đoạn tường thành vỡ nát hoá ra lại giúp giảm sức công phá của đạn tốt hơn nhiều.
---
Đón đọc tiếp kỳ 4.