
Constantinople - Nữ hoàng của các thành phố - đang đứng trước hiểm họa lớn nhất mà nó từng đối mặt. Đội quân của ngày tận thế đã xuất hiện từ phương Đông. Byzantine hay Ottoman, đế quốc nào sẽ gắn viên ngọc này trên vương miện và cai trị trung tâm Thế giới?
Hoàng hôn buông xuống những bức tường thành Constantinople. Ánh chiều tà hắt xuống vịnh Sừng Vàng vẫn lộng lẫy như hàng ngàn năm qua. Thế nhưng khắp châu Âu, ai cũng nhận thấy rằng La Mã chỉ còn là cái bóng của chính nó. Ánh hào quang của một đế chế từng là bá chủ của Địa Trung Hải, với các tỉnh lỵ vươn từ đảo Anh đến tận Ai Cập, nay chẳng còn gì hơn ngoài một mảnh cô thành Constantinople.
Do đâu mà La Mã suy sụp đến vậy?
Kể từ vụ ám sát dã man nhà độc tài Julius Caesar, con trai nuôi Octavian của ông trở thành hoàng đế La Mã đầu tiên. Đế chế này bành trướng lớn đến mức về sau phải chia thành hai nửa Đông Tây. Trong khi Tây La Mã sụp đổ vào năm 476, nửa phía Đông của nó vẫn sống. Đế chế Đông La Mã, hay còn gọi là Byzantine, tiếp tục tồn tại thêm 1000 năm. Tuy nhiên, lịch sử của Byzantine rất thăng trầm.
Byzantine nằm ở vị trí huyết mạch và thậm chí nguy hiểm hơn cả Tây La Mã. Về phương diện địa lý, họ nằm ở giao điểm của Âu và Á, nghĩa là giáp với cả đế chế Ba Tư và vùng đất của những người rợ. Về phương diện tôn giáo, họ theo Chính thống giáo, nằm kẹp giữa hai tôn giáo thù địch là Công giáo La Mã và Hồi giáo.
Địa lý Byzantine mang lại cho họ sự giàu có khi giao thương, đồng thời mở ra nhiều hướng để bành trướng lãnh thổ, nhưng cũng khiến họ nằm lọt thỏm giữa muôn trùng địch thủ. Byzantine giống như một hươu dũng mãnh với cặp sừng vàng lộng lẫy làm vương miện, và những con sói khác đi lòng vòng xung quanh, chỉ chờ con hươu già yếu để chúng xông vào cấu xé. Đến những năm 1400, Byzantine thoi thóp, trong khi một thế lực hùng mạnh khác trỗi dậy từ phương Đông: Đế quốc Ottoman của những người Thổ.
Từ xa xưa, Constantinople đã phủ lên màu sắc huyền thoại. Người ta gọi nó là Nữ hoàng của các thành phố. Vào lúc cao điểm, Constantinople có đến 80 vạn cư dân.
- Ta muốn chiếm quả táo đỏ đó, biến nó thành kinh đô của đế chế Ottoman. Các khanh có ý kiến gì không?
Vị sultan (vua Hồi giáo) trẻ tuổi tên Mehmed hỏi văn võ bá quan. Mọi người đều đưa mắt nhìn nhau.
Theo thần thoại của người Thổ, “Quả táo đỏ” nghĩa là mục tiêu tối thượng. Mục tiêu đó là cai trị xứ sở trải dài từ nơi mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn. Tóm lại, quả táo đỏ là khát vọng thống trị thế giới của người Ottoman.
Đại Tể tướng Halil Pasha bước lên tâu:
- Không thể được, vạn nhất không thể được. Ngay cả thân phụ bệ hạ còn không chiếm được Constantinople, làm sao...
- Ông quên cuộc Thập tự chinh thứ tư rồi sao? Quân Thập tự đã nắm quả táo đỏ trong tay một lần rồi. Còn ta sẽ là người nắm giữ nó, vĩnh viễn.
Halil Pasha im lặng. Trong đế chế Ottoman, ông là người có thế lực nhất chỉ sau sultan. Halil Pasha xuất thân trong một gia tộc lừng lẫy, có tiếng nói trong chính trường nhiều đời. Sultan Mehmed luôn xem ông ta là con kỳ đà cản mũi để nắm được quyền lực tuyệt đối.
Tuy còn trẻ măng nhưng Mehmed rất thông thái. Bản thân nhà vua Ottoman vô cùng ái mộ văn hoá Hy Lạp cổ và Byzantine. Ngài ta có thể nói trôi chảy nhiều ngoại ngữ, bao gồm cả Đông và Tây La Mã. Thậm chí, Mehmed là tín đồ Hồi giáo nhưng vẫn đàm luận được về Cơ Đốc giáo nếu muốn.
Mehmed cười:
- Nếu không ai phản đối thì ta cứ tiến hành như thế.
- Xin hoàng thượng nghĩ lại. Constantinople là một quả táo thối. Nó đã tàn tạ lắm rồi, sớm muộn gì cũng về tay chúng ta. Hiện tại trong thành có rất nhiều thương nhân Ottoman. Giữ cho Constantinople hoà bình cũng tức là bảo vệ nguồn lợi của chính ta.
Halil Pasha tiếp tục can ngăn:
- Binh đao chỉ khiến sinh linh đồ thán, không ích lợi gì cho hai nước. Nếu hoàng thượng động binh lúc này, quân Thập tự của Cơ Đốc giáo có thể tiếp tục tiến hành Thánh chiến để đáp trả. Lúc bấy giờ ta không chỉ đánh với Byzantine, mà còn với toàn bộ phương Tây.
- Trẫm tính cả rồi, khanh không phải lo.
- Chưa kể, nếu hoàng thượng chiến thắng thì không sao, còn nhược bằng hao binh tổn tướng vô ích mà không chiếm được thành, đó sẽ là thảm hoạ cho đế chế Ottoman.
- Vớ vẩn, chưa khởi binh mà đã bàn lùi. Khanh nghi ngờ tài cầm quân của Trẫm sao?

Mehmed trừng mắt. Không ai dám to gan làm phật ý Sultan cả. Halil Pasha biết không thể lay chuyển được quyết tâm của vị vua 21 tuổi đang muốn khẳng định mình, ông ta tạm thời lui xuống.
Đầu tiên, ta cần biết phản ứng của các nước phương Tây và chính Byzantine khi Mehmed lên ngôi là… sung sướng. Tất cả bọn họ đều lạc quan khi sultan trẻ măng như vậy. Trẻ người thì non dạ, chắc chắn hắn sẽ không dám động binh. Ngoài ra, thái độ đối đáp mềm mỏng của hắn cũng là tín hiệu đáng mừng. Coi như tạm thời sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra cả từ phía Ottoman cả.
Vua Constantine của Byzantine nhận định:
- Nếu Mehmed giở chứng, chúng ta sẽ thả hoàng tử Orhan về lại Ottoman. Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi.
Hoàng tử Orhan là con tin của Byzantine, nhưng đồng thời cũng là người có khả năng cạnh tranh ngai vàng Ottoman. Việc phóng thích Orhan về lại quê hương sẽ mở ra khả năng gây nên một cuộc nội chiến dữ dội. Không gì hay hơn bằng việc làm suy yếu kẻ thù bằng cách xúi cho chúng tự đánh nhau cả. Đây là mưu mẹo Byzantine đã không ít lần sử dụng trong quá khứ.
Tất cả bọn họ đã lầm.
Khi Mehmed nhận được thư của Constantine, ngài ta cười:
- Lão vua già này đòi thả Orhan ra để doạ ta cơ đấy. Ôi sợ quá, chắc phải chiếm Constantinople cho đỡ sợ thôi.
Thần tượng của Mehmed là Alexander Đại đế, người đã chinh phục gần như mọi vùng đất phương Tây biết đến thời cổ. Mehmed cũng muốn tạo nên một kỳ công như thế, khởi đầu từ Constantinople. Cho dù Orhan có trở về hay không, Mehmed vẫn kiên định với mục tiêu của mình.
Byzantium đã đánh giá quá thấp tham vọng của Mehmed. Hành động gây hấn đầu tiên của vua Ottoman chính là xây dựng Roumeli Hissar, công trình mệnh danh “Pháo đài Cắt cổ”. Pháo đài này sẽ chẹn ngang “cổ họng” của Constantinople là eo biển Bosphorus, đồng nghĩa với việc “cắt đứt” mọi viện trợ từ phía biển Đen cho thành phố.
Triều đình Byzantine bắt đầu loạn cả lên. Vua Byzantine không ngờ gã sultan Ottoman này hiếu chiến đến vậy.
Ngày nọ, người thợ đúc súng Hungary tên Orban đến Byzantine để chào bán thiết kế vũ khí. Sau khi nghe Orban trình bày, Constantine lắc đầu:
- Ta biết, nhưng giá như thế là quá đắt Orban ạ.
Orban khẳng định:
- Đắt xắt ra miếng. Bọn Thổ sẽ không thể nào chịu nổi uy lực của những khẩu đại bác này. Chúng sẽ phải lủi thủi cút về phương Đông và không bao giờ dám bén mảng tới Constantinople nữa.
Constantine thành thật:
- Ta không đủ tiền trả ông. Cũng không đủ tiền mua vật liệu đúc súng.
Orban thất vọng:
- Không lẽ bệ hạ không mượn ai được hay sao?
Đại công tước Loukas Notaras, cánh tay phải của vua, lên tiếng:
- Nhà vua nói đến vậy ông còn chưa hiểu hả Orban? Giá của ông đưa ra quá cao. Chúng tôi không trả được.
Orban bực tức, ông ta đáp:
- Nếu Constantinople mất rồi thì núi vàng, núi bạc cũng có nghĩa lý gì đâu? Mong bệ hạ không hối hận. Thần xin cáo từ.
Đoạn ông ta rời khỏi Byzantine. Loukas Notaras bĩu môi:
- Gã đó đúng là gian thương. Mấy khẩu súng của gã chắc gì đã hiệu quả? Bỏ một đống tiền mua một thứ chưa ai từng thấy khác gì đánh bạc.
Vua Constantine vẫn hy vọng có thể điều đình tới tận phút chót.

---
Đón đọc tiếp kỳ 2.