Bắt đầu từ 01/07/2025, hàng chục triệu người dân trên cả nước sẽ bước vào một thời kỳ mới: sáp nhập, chia tách, đổi tên tỉnh thành. Có người man mác buồn vì mất tên quê hương trên bản đồ hành chính, có kẻ ngậm ngùi vì cái tên cũ được giữ lại nhưng mang dáng dấp xa lạ, khác hẳn với quy mô và tầm vóc xưa kia. Cảm giác hụt hẫng, lạ lẫm, tiếc thương như đang lan khắp những miền đất vốn từng đậm đà bản sắc.
Riêng tôi, từ nay sẽ được gọi là công dân “phường Sài Gòn (mới)”. Nghe cũng quen mà lạ, gần mà xa. Bởi từ ngày 01/07/2025, không chỉ ranh giới thành phố cũ mà cả Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu – hai tỉnh trù phú, đông dân – đều chính thức sáp nhập về TP.HCM, mở ra một đô thị siêu lớn, đa trung tâm. Tấm bản đồ mới vẽ lại ranh giới, nối liền thành phố với những vùng công nghiệp sôi động, cảng biển, bãi tắm, rừng nguyên sinh, ruộng vườn... Mở rộng cơ hội nhưng cũng gieo vào lòng người không ít mối ngổn ngang: Tôi còn là dân thành phố cũ nữa không? Hay là cư dân của một Sài Gòn mới, khổng lồ mà xa lạ?
Nhưng trong thâm tâm tôi – và tôi tin trong lòng bao người từng sinh ra, lớn lên, đi xa rồi trở về, hay chọn ở lại – Sài Gòn chưa bao giờ chỉ là một đơn vị hành chính. Nó là một tiếng gọi thân thương, một danh xưng tự nguyện mà người Việt dành cho vùng đất đậm nghĩa tình bên dòng sông cùng tên. “C’est le cœur qui compte” – điều quan trọng nằm ở trái tim chứ không phải hình thức. Không cần đóng dấu, không cần văn bản, chẳng có nghị định nào ban hành, nhưng lại sống dai dẳng trong ký ức, trong lời kể, trong giọng nói và ánh mắt của người dân nơi đây.
Sài Gòn vốn là nơi dung chứa mọi miền, mọi phận người. Từ người bán hủ tíu ven đường, cô công nhân nhà máy, anh kỹ sư mới ra trường, đến bà cụ già bán vé số chậm rãi dưới nắng trưa. Nó không phân biệt bạn là dân gốc mấy đời hay kẻ tạm cư ngắn ngày. Nó chẳng buồn hỏi quê bạn ở đâu, miễn sao bạn biết sống tử tế, biết bao dung, hào sảng, không nề hà giúp đỡ người khó. Đó là “luật bất thành văn” mà bao thế hệ người Sài Gòn đã tự nguyện tuân theo. «Vivre et laisser vivre» – sống và để người khác sống, dung dị mà bao dung.
Người Sài Gòn có thể là bất cứ ai, chỉ cần chịu thương chịu khó, sẵn sàng chia đôi ổ bánh mì, cho người lạ đi nhờ mưa, dắt xe giúp khách lạ qua con hẻm nhỏ. Họ cười dễ, giận cũng nhanh, nhưng đã thương thì thương trọn lòng. Nói chuyện tưởng vô tư nhưng luôn chừa phần người khác. Và khi gặp hoạn nạn, tai ương – từ ngập nước, cháy nổ, dịch bệnh đến những cú sốc bất ngờ – thì thứ đầu tiên trỗi dậy luôn là tình người, là lòng trắc ẩn. «L’union fait la force» – đoàn kết là sức mạnh.
Sát nhập mở ra cơ hội lớn – kết nối vùng công nghiệp Bình Dương, cảng biển Vũng Tàu, bãi cát, rừng ngập mặn và những khu dân cư tấp nập. Nhưng Sài Gòn thật không chỉ đo bằng diện tích, mật độ, GDP hay quy hoạch. Nó được đo bằng lòng người. Bằng chất giọng dễ thương, câu chào hào sảng, ánh mắt tin cậy, và cả những lần “cứu nhau” không toan tính giữa đêm khuya mưa ngập.
Có thể mai này trên giấy tờ sẽ ghi “phường Sài Gòn (mới)”, với ranh giới khác, bản đồ khác, quy hoạch khác. Nhưng Sài Gòn thật trong lòng người không vì thế mà đổi thay. Đó không chỉ là địa danh mà là một lối sống, một phẩm chất mà ai giữ được, sống được với nó, mới thật sự xứng danh NGƯỜI SÀI GÒN. Và tôi tin, dù sáp nhập thế nào, đổi tên ra sao, vẫn sẽ có những người giữ ngọn lửa đó, chuyền tay cho con cháu, để cái tên Sài Gòn mãi là lời gọi thân thương nhất trên đất Việt này.
1 Bình luận